Celsius phá sản cú sốc mới với thị trường crypto

Công ty cho vay tiền số Celsius Network hôm 13/7 nộp đơn xin phá sản tại New York (Mỹ). Động thái trên diễn ra chỉ một tháng sau khi họ ngừng cho phép rút và chuyển tiền với lý do điều kiện thị trường "khắc nghiệt", ảnh hưởng đến 1,7 triệu khách hàng.

Trong tuyên bố, Celsius khẳng định sẽ tìm cách ổn định hoạt động kinh doanh bằng cách tái cấu trúc nhằm "tối đa hóa giá trị cho mọi bên liên quan".

"Đây là quyết định đúng đắn cho cộng đồng và công ty chúng tôi", ông Alex Mashinsky - đồng sáng lập kiêm CEO của Celsius - cho biết trong một tuyên bố.


Celsius Network ghi nhận tài sản trị giá 11,8 tỷ USD tính đến hết tháng 5, giảm từ 15 tỷ USD tháng 10 năm ngoái. Nhưng công ty hiện chỉ có 167 triệu USD tiền mặt để hỗ trợ các hoạt động nhất định trong tình trạng phá sản.

Celsius Network thành lập năm 2017, từng được định giá hơn 3 tỷ USD mùa thu năm ngoái. Họ là một trong những công ty cho vay tiền số lớn nhất thế giới. Celsius Network quảng bá mô hình của họ ít rủi ro hơn ngân hàng và mang lại lợi nhuận tốt hơn cho khách. Suốt thời gian hoạt động, hãng này luôn cung cấp lãi suất cao cho người gửi tiền số, đồng thời cho người dùng vay các khoản lớn bằng tài sản thế chấp nhỏ. Chính mô hình này đã đẩy Celsius Network vào thế tiến thoái lưỡng nan khi giá tiền số đi xuống.

Cách đây một tháng, công ty gây xôn xao dư luận sau khi đóng băng tài khoản của khách hàng. Người dùng Celsius không thể rút hay chuyển tiền.

Đây là vụ phá sản lớn nhất kể từ khi thị trường tiền mã hóa lao dốc trong năm nay. Tuần trước, Voyager Digital cũng nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi quỹ đầu cơ tiền mã hóa Three Arrows Capital (3AC) vỡ nợ khoản vay trị giá hơn 660 triệu USD.

"Thật không may, điều này đã được dự đoán từ trước", ông Joseph Rotunda - Giám đốc thực thi tại Ủy ban Chứng khoán bang Texas - bình luận về vụ việc của Celsius. "Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra công ty và làm việc để bảo vệ khách hàng, ngay cả khi công ty đã mất khả năng thanh toán", ông nhấn mạnh.

Celsius có hơn 100.000 chủ nợ, bao gồm cả khách hàng gửi tiền và các bên cho vay. Khoản vay không có tài sản bảo đảm lớn nhất của công ty trị giá 81 triệu USD, đến từ quỹ Pharos Fund (có trụ sở tại Đảo Caymans).

Theo hồ sơ, công ty thương mại Alameda Research của tỷ phú Sam Bankman-Fried - CEO FTX - cũng là chủ nợ của Celsius với khoản vay không thế chấp trị giá 12 triệu USD.

Các tổ chức cho vay tiền số bùng nổ trong đại dịch, thu hút người gửi tiền với lãi suất cao và khả năng tiếp cận các khoản vay hiếm khi được các ngân hàng truyền thống cung cấp. Tuy nhiên, lĩnh vực này rơi vào khủng hoảng trong những tháng gần đây sau sự sụp đổ của bộ đôi Luna và TerraUSD vào tháng 5, cùng xu hướng rớt giá liên tiếp của Bitcoin và các đồng tiền lớn.

Nhiều khách hàng lo lắng về tài sản của họ đang gửi ở các công ty trên. Các luật sư của Voyager Digital tiết lộ rằng tiền mặt của khách hàng đang được giữ tại một ngân hàng giám sát. Khoản này sẽ được trả lại sau khi công ty xem và đảm bảo rằng họ có quyền hợp pháp về số tiền trên. Công ty sẽ không gộp các khoản tiền đó với tài sản khác để trả cho chủ nợ.

Ngành công nghiệp tiền mã hóa đang chao đảo khi thị trường suy yếu nghiêm trọng. Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - vừa ghi nhận quý tồi tệ nhất trong vòng hơn thập kỷ qua.

Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã mất khoảng 58% giá trị trong quý II. Khoảng 1.200 tỷ USD bị xóa sổ khỏi toàn bộ thị trường tiền mã hóa.

Cú rơi của thị trường khiến các công ty tiền mã hóa phải sa thải hàng loạt nhân viên, thậm chí trượt tới bờ vực phá sản.

Theo : Zing + Vnexpress
Mới hơn Cũ hơn